Thứ Hai, 30 tháng 11, 2015

Khám phá Tam giác mạch của cao nguyên đá kỳ 2


Trong khi hoa đào nở đón mùa xuân, hoa gạo bập bùng đỏ lửa mùa hạ... thì tam giác mạch lại dám nở để đón mùa đông - mà là mùa đông giá rét trên cao nguyên đá!

Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn, anh Hoàng Văn Thịnh, khoát tay chỉ lên tấm bản đồ địa phương trên tường phòng làm việc, rê tay theo tuyến đường 4C - cung đường mang tên “Hạnh Phúc” và bảo: “Năm 2012 chúng tôi chỉ hỗ trợ dân trồng chừng 10ha phục vụ du lịch, cho dân bán vé thu tiền chụp ảnh chứ không ngờ sức hút của tam giác mạch với du khách kinh khủng như thế này”.

“Vào trận”

“Đấy các anh xem, chỉ riêng 11 trong số 19 xã, thị trấn của Đồng Văn dọc theo cung đường 4C này chúng tôi đã trồng được 325ha tam giác mạch theo ba thời điểm, sao cho hoa nở gối nhau từ tháng 9 đến tết - chủ tịch Thịnh hào hứng nói - Trà 1 chúng tôi cho trồng từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 9 đã nở rộ, trà này chỉ chừng 50ha để “gây men” cho du khách;

Trà 2 phục vụ chính hội, chúng tôi gieo hơn 200ha từ giữa tháng 9 và nay đang ra lác đác hàm tiếu, chuẩn bị đến dịp chính lễ sẽ bừng rộ đồng loạt, và trà 3 gieo đầu tháng 10 sẽ cho hoa vào đầu tháng 12 đến Tết dương lịch”.

E rằng những con số về diện tích hoa tam giác mạch ấy sẽ khó cho chúng tôi hình dung về hiệu quả, chủ tịch Thịnh giải thích thêm: Đây không chỉ là chuyện trồng hoa chơi hội, mà là một bài toán lớn của Đồng Văn, rộng ra là cả Hà Giang, không phải trồng ra để chơi hội xong, tàn mùa hoa là đâu lại hoàn đấy. Cây chiến lược vụ đông hẳn hoi, đưa hẳn vào 
nghị quyết!
Dulichgo
Năm 2013 huyện đã nâng diện tích lên 50ha tam giác mạch, nhưng đúng là sau khi tàn mùa hoa, tam giác mạch kết hạt thì sản lượng như vậy chưa đủ để sản xuất cái gì ra tấm ra miếng và cũng chưa chọn được đầu ra có tính đặc sản cho loài hoa đặc biệt này. Mỗi hecta tam giác mạch, tùy trồng sớm hay muộn và thời tiết thuận hay không sẽ cho sản lượng từ 500kg đến 1 tấn hạt. Giá thị trường hiện nay là 20.000 - 22.000 đồng/kg hạt tam giác mạch. Lấy giá đó nhân với năng suất bình quân, mỗi hecta cũng đã có được 15 triệu đồng/ha, con số thu nhập ấy ở cao nguyên đá này không hề nhỏ!

Mỗi vụ tam giác mạch chỉ cần thời gian hai tháng rưỡi, và quan trọng là thời gian trồng tam giác mạch chính là thời kỳ “đất rỗi”, lâu nay bà con chỉ trồng để lấy ra chăn nuôi, hạt có lấy cũng chỉ để ủ cùng với ngô cho rượu thêm thơm, hoặc xay bột làm bánh ăn chơi chứ chưa tính điều gì xa xôi cả. Nay trồng hàng trăm hecta như vậy, nếu không cam kết đầu ra với bà con, chắc không ai dám trồng!

Khởi động từ tháng 6-2015, khi Huyện ủy Đồng Văn ra quyết định về việc “Thành lập ban chỉ đạo trồng, tham gia tổ chức lễ hội hoa tam giác mạch của tỉnh trên địa bàn huyện Đồng Văn năm 2015” kèm theo đó là danh sách các thành viên của “ban tam giác mạch” với đầy đủ các ban ngành.

Việc đầu tiên là đích thân ông chủ tịch huyện cùng các thành viên của ban này về từng xã trong số 11 xã Vần Chải, Phố Cáo, Sủng Là, Thài Phìn Tủng, Lũng Phìn, Lũng Táo, Lũng Cú, Ma Lé, Sủng Trái, Phố Là và thị trấn Đồng Văn mời các hộ dân ký cam kết: huyện sẽ đảm bảo thu mua hết sản lượng hạt sau khi thu hoạch với giá như giá thị trường, ít nhất 20.000 - 22.000 đồng/kg. Còn trong thời gian trồng hoa, bà con có quyền cho du khách vào ruộng hoa mình chụp ảnh để thu tiền. Chưa hết, để bà con an tâm hơn, huyện quyết định hỗ trợ bà con mỗi hecta 3 triệu đồng để mua giống, chăm sóc nương hoa. Người Mông trên núi cao chỉ tin vào những gì được nhìn thấy và cam kết.

Thấy cán bộ xã đưa hạt giống, phân bón về, lại có cái dấu đỏ ký dưới tờ giấy cam kết sẽ mua hết hạt thì tin ngay. Và chỉ riêng 11 xã được chỉ đạo trồng, diện tích ban đầu dự kiến 300ha thì nay bà con trồng lên tới 325ha.

Hoa thắm từng hẻm núi...

Hoàng Minh Đức, vốn là bí thư Huyện đoàn Đồng Văn, nay về làm bí thư xã Sáng Tủng - một xã thuộc “diện 135” (xã nghèo miền núi), nói với chúng tôi: “Sáng Tủng không được đưa vào diện phát triển tam giác mạch trong chiến dịch này của huyện Đồng Văn nhưng người dân đã thấy lợi từ cây hoa này nên tự giác phát triển diện tích”.
Dulichgo
Những năm trước, toàn địa bàn 15 thôn bản của Sáng Tủng chỉ có 5 - 7ha tam giác mạch, nhưng từ năm 2014 khi thấy “xu hướng” phát triển được cây tam giác mạch ở các địa bàn khác trong huyện nên người dân cũng chủ động gieo trồng tăng diện tích. Và vụ tam giác mạch năm nay dù không phải là một trong các xã được huyện chọn, người dân vẫn mạnh dạn trồng đến 15ha.

Sùng Chúng Hờ, vốn là cán bộ xã, nắm bắt được tương lai của tam giác mạch sớm nhất nên là “người tiên phong” của Sáng Tủng, anh khuyên nhiều hộ ở xã mình phát triển diện tích cây hoa này do “dễ trồng, mau thu hoạch và có tiền ngay” mà không chờ đến quy hoạch phát triển của huyện.

Sùng Chúng Hờ cũng trồng hơn 1ha tam giác mạch, năm ngoái chỉ sau hơn hai tháng làm chơi ăn thật, anh có được 20 triệu đồng từ tam giác mạch, chưa kể tiền cho du khách “phượt” vào đây thuê nương chụp hoa! “Cây tam giác mạch từ chỗ chỉ trồng giữ đất, lấy hạt nuôi gia súc thì nay đã có đầu ra, hạt bán cho người thu mua về làm bánh, thân cây có thể làm rau ăn, du khách đến tham quan, chụp ảnh cũng đem lại chút thu nhập cho người dân.

Đây chính là lợi ích rõ rệt nhất của việc phát triển tam giác mạch, và đương nhiên việc phát triển này nằm trong quy hoạch, định hướng của xã, của huyện nên người dân sẽ tin tưởng...” - bí thư xã Sáng Tủng Hoàng Minh Đức chia sẻ.

Ngay đêm đầu tiên trở lại Đồng Văn, ngay sau bữa lẩu rau tam giác mạch đặc sản mà chúng tôi đã kể, món tráng miệng là bánh dẻo tam giác mạch được đóng hộp với mẫu bao bì khá bắt mắt, trên hộp bánh là hình ảnh cánh đồng hoa đang nở rộ, tương tự là khai vị với chai rượu tam giác mạch cũng là một trải nghiệm riêng mà du khách nào cũng muốn nếm thử.

Sáng hôm sau, lội bộ quanh khu chợ trung tâm, hóa ra bánh và rượu tam giác mạch - những sản phẩm mới của Đồng Văn - cũng đang khan hàng, một phần do vừa trải qua đợt cuối tuần, khách lên đây ai cũng muốn mang chút quà lạ về xuôi, phần nữa những cơ sở sản xuất phải tích trữ dành cho dịp lễ hội sắp tới. Bởi cho dù đã có dây chuyền công nghệ sản xuất bánh, sản xuất rượu nhưng công suất còn thấp, cung không đủ cầu, tất cả chỉ mới khởi đầu cho một lối đi từ cây hoa đặc sản bé bỏng này!

Và có lẽ chính những ngày xuôi ngược trên cung đường 4C, trong cái se lạnh của đất trời, trong giá buốt từ hơi đá núi, tôi chợt nhận ra vẻ đẹp kỳ diệu của tam giác mạch.

Trong khi những loài hoa khác như hoa đào với dáng vẻ gân guốc can trường nở đón mùa xuân, hoa gạo bập bùng đỏ lửa đón mùa hạ... thì tam giác mạch là loài hoa dám nở để đón mùa đông, mà lại là mùa đông giá rét trên cao nguyên đá! Dulichgo
Có một ngụ ngôn nào trong câu chuyện của loài hoa này khi nghĩ về tương lai của nó?

Sáng 9-11, tại Nhà triển lãm 93 Đinh Tiên Hoàng (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội), tỉnh Hà Giang đã tổ chức triển lãm Hà Giang, mùa hoa tam giác mạch. Triển lãm giới thiệu hơn 70 bức ảnh về vẻ đẹp của con người, thiên nhiên Hà Giang. Trong khuôn khổ triển lãm (mở cửa đến ngày 20-11), ban tổ chức cũng giới thiệu nhiều đặc sản của Hà Giang.

Còn tiếp
Kỳ 1 - Kỳ 2 - Kỳ 3 - Kỳ 4 - kỳ cuối

Theo Lê Đức Dục, Đức Bình (Báo Tuổi Trẻ)
Du lịch, GO!

Chủ Nhật, 29 tháng 11, 2015

Khung cảnh hoang sơ tuyệt đẹp của Bãi Xếp - Ghềnh Ráng

Với khung cảnh hoang sơ tuyệt đẹp, Bãi Xếp - Ghềnh Ráng luôn là địa điểm nằm trong sổ tay của những tín đồ phượt trẻ Việt và Tây ba lô mỗi khi khám phá đất miền Trung đầy nắng gió.

Bãi Xếp thuộc phường Ghềnh Ráng, thành phố Quy Nhơn, Bình Định, cách trung tâm thành phố chưa đầy 13 km. Để đến được Bãi Xếp, bạn có thể đón xe buýt số T2 trước cổng đại Học Quy Nhơn, xuống trạm Khu Phố 2. Còn bằng xe máy, bạn đi theo quốc lộ 1D (Quy Nhơn - Sông Cầu) sẽ thấy bảng chỉ dẫn đến Bãi Xếp.

Bãi Xếp hoang sơ với bờ cát vàng, những rặng đá tự nhiên nổi lên giữa bãi cát khi thủy triều rút. Cuộc sống làng chài với những ngư dân hiền lành, hiếu khách và những món ăn đậm đà hương vị biển là điểm thu hút du khách tìm đến đây.
Dulichgo
Mỗi buổi chiều, người dân thường tập trung trước bãi. Trẻ con thì hồn nhiên tắm biển, những đứa trẻ lớn hơn thì lặn bắt ốc, bắt tôm. Người lớn sau một ngày lặn ngụp vất vả cào hàu hay kéo bèo ngoài khơi, ngồi thành nhóm chuyện trò hay giải trí bằng trò chơi lô tô.

Chiều về, hoàng hôn trên biển cũng mang màu sắc khác lạ. Có hôm bầu trời màu hường dịu ngọt, có hôm lại là màu xanh biển đáng yêu. Từng vệt mây trắng vẽ ngang dọc trên nền trời.

Các món ăn ở Bãi Xếp chủ yếu là hải sản do người dân đánh bắt. Khu vực này vẫn còn hoang sơ, du lịch chưa phát triển, trong làng không có nhiều quán ăn hay nhà nghỉ sang trọng. Tuy nhiên, trên bãi cũng có nhà nghỉ đầy đủ tiện nghi dành cho khách du lịch ta và Tây.

Điểm thu hút của cả 2 nhà nghỉ là bạn có thể thấy biển ngay trước mắt. Tất cả phòng nghỉ ở đây đều có tầm nhìn hướng ra biển. Ngoài ra, bạn có thể làm quen với người dân và nhờ họ chế biến món hải sản đặc trưng nơi đây.
Dulichgo
Quanh khu vực Bãi Xếp còn có nhiều bãi tắm khác như Bãi Rạng, Bãi Bàng, Bãi Dài. Chỉ cần đi bộ vài km, bạn có thể tha hồ thay đổi bãi tắm mỗi ngày.

Bãi Xếp - Ghềnh Ráng phù hợp với du khách yêu thích thiên nhiên, thích tận hưởng vẻ đẹp hoang sơ của biển và cuộc sống yên bình làng quê.
Với khung cảnh tuyệt đẹp, Bãi Xếp luôn là địa điểm nằm trong sổ tay của những tín đồ phượt trẻ Việt và Tây ba lô.


Thứ Bảy, 28 tháng 11, 2015

Địa anh Mỏm Đá Chim

Trước khi rời Sài Gòn để đi nghỉ dưỡng cùng anh chị em trong Tòa soạn, tôi có ý định chú tâm tìm hiểu vùng đất có địa danh ngồ ngộ là Mỏm Đá Chim. Vì thế, khi vừa nhận phòng lưu trú, tôi vội xách máy ảnh ra biển Tân Hải.

Lân la hỏi chuyện một người câu cá đã có tuổi, ông nói:
- Dân địa phương gọi vùng biển này là Bãi Dinh, vì nó chỉ cách Dinh Thầy Thím khoảng hai kilomet. Cái tên Tân Hải hay Tân Tiến là mấy ông chính quyền đặt gần đây, khi "tách tách nhập nhập" hết thành phố đến thị xã, hết tỉnh đến huyện, hết quận đến phường xã.

Bề ngoài, người câu cá này không khác gì một ngư dân: cũng da ngăm đen, cũng dáng đi hơi ngã về phía trước, cũng nói to, nhưng với sự "bộc trực" vừa rồi, tôi nghĩ ông phải là người có học, hay chí ít là người quan tâm nhiều đến xã hội, nên mạnh dạn hỏi tiếp:

- Thế theo anh, cái tên "Mỏm Đá Chim" là do đâu?

Người câu cá bảo tôi cùng lên một tảng đá mà bề nổi của nó chắc phải nhiều ngàn tấn. Từ tảng đá hình mu rùa biển ấy, ông quăng lưỡi câu đính mồi bằng giun đất ra khỏi những con sóng liên hồi kéo tới, rồi vừa thu dây câu bằng chiếc máy quay tay hiệu Shimano nổi tiếng thế giới, vừa nói:

- Chắc anh đã biết, từ bờ biển Long Hải của Bà Rịa đến bờ biển Kê Gà của Bình Thuận hơn trăm cây số, trước đây được bao phủ bởi rừng nhiệt đới lan từ miền Đông Nam Bộ và Nam Tây Nguyên xuống, đất rừng là cát trắng, dưới cát trắng là đá granite, vô vàn đá, đá lan ra lộng, có nơi xa hàng trăm mét.

Nhưng chỉ Bãi Dinh mới có địa danh Mỏm Đá Chim. Ông nội tôi là "thầy thông" (phiên dịch) thời Pháp thuộc, có lần dẫn tôi ra biển, chính trên tảng đá này, giải thích cho thằng cháu đích tôn biết vì sao người ta gọi vùng này, tức bờ biển thuộc xã Tân Tiến (tách từ xã Tân Hải) của thị xã Lagi bây giờ, là Mỏm Đá Chim - Ông dừng lại một lúc, không biết vì phải gỡ con cá đục to bằng ngón chân cái vừa câu được hay vì muốn tôi "hồi hộp" chờ nghe lịch sử cái tên một địa danh - Ông nội tôi nói, xưa kia, khi nơi này mới có con người định cư, những tảng đá dài theo chân sóng, chim biển đậu dày đặc, nhiều nhất là các loại nhàn, chim điên bụng trắng, cốc, hải âu chân đen, mòng biển.

Chúng đậu để nghỉ ngơi, để cặp đôi rồi bay ra các đảo chứ không thể làm tổ gần con người vì với hầu hết loài chim, con người là những kẻ nguy hiểm. Nhiều chim như thế nên những người mở đất đã đặt tên cho vùng này là Mỏm Đá Chim. Mấy chục năm nay Mỏm Đá Chim là những tảng đá không chim, trở thành thắng cảnh du lịch.
Dulichgo
Thật bất ngờ, người câu cá mời tôi tấp vào một bãi dương liễu... nhậu! Ông kéo trong túi đồ nghề ra một chai rượu gạo, một gói nhỏ muối ớt rồi cùng tôi gom lá và cành dương liễu khô, nhóm lửa nướng cá ông vừa câu.

Cạn chén xong, ông hỏi tôi:
- Anh đã ăn cá đục nướng bao giờ chưa?

Không "lấy lòng" ông, tôi nói:

- Có ăn mấy lần, ở nhà chị sui, nhưng là cá đục ướp đá mang từ Hàm Thuận Nam vào Sài Gòn.
- Không ngọt thịt, phải không?
- Không thể ngon bằng cá anh vừa câu, "không gian nhậu" cũng không bằng.

Người câu cá cười hồn hậu, giải thích:

- Mỗi loại cá có mỗi cách chế biến. Cá đục kho bở rệu, lại tanh, nhưng nướng thì nhất.

Nhờ cuộc nhậu không đạt tiêu chuẩn "trà tam, rượu tứ" mà tôi biết người câu cá tên Ba Son, từng dạy môn lịch sử trung học phổ thông. Tám năm trước, khi đến tuổi hưu, ông bỏ thành phố Phan Thiết về lại Mỏm Đá Chim, ngày ngày nhàn tản xách cần câu ra bờ biển, câu được nhiều cá thì bán cho mối lái, ít thì nướng nhậu, chủ yếu là cá đục và cá đối. Hình như giữa ông và tôi có những nét "đồng điệu", nên chuyện trò lại xoay quanh đề tài "dư địa chí”.

Quê Ba Son không giới hạn ở Mỏm Đá Chim mà là cả vùng thuộc thị xã Lagi bây giờ, ngày xưa là đất tụ nghĩa. Nhờ thiên nhiên với phong phú sản vật trên rừng dưới biển, địa thế hẻo lánh, đây là nơi thu hút dân miền Trung, chủ yếu là Quảng Nam, Quảng Ngãi phiêu tán, tha phương cầu thực, không ít người trong đó từng chống đối nhà cầm quyền phong kiến địa phương về đây nương náu, khai phá, định cư, lập nghiệp.

Có một điều đặc biệt nữa, vùng biển này đã từng đón "di dân ngược". Từ năm 1867, khi ba tỉnh miền Tây Nam Bộ rơi vào tay Pháp, nhiều người không chịu được ách đô hộ của thực dân, lần lượt ra "tị địa" ở Lagi.

Chiều buông nhanh trên biển Mỏm Đá Chim vì đang là mùa mưa. Người câu cá (bây giờ đã là bạn của tôi) lấp cát cho "bếp dã chiến" nguội hẳn rồi xúc hết than đổ bao ni lông, bỏ vào túi đồ nghề, tâm sự:

- Biển quê tôi đâu cũng rác. Nửa kilomet bờ biển do Resort Mỏm Đá Chim quản lý cũng không ít rác. Ý thức dân mình một phần, phần khác do các cấp chính quyền không vận động dân giữ sạch nơi sinh sống, cũng chẳng có biện pháp chế tài nào. Buồn nữa, mươi năm trở lại đây, khi du lịch phát triển, dân quê tôi đã biết làm ăn gian dối...

Tôi kể cho ông nghe chuyện mình từng "mua nhầm" và suýt bị đánh hội đồng tại chợ hải sản tự phát bên bờ biển sau ngả ba đường vô Dinh Thầy Thím, cách resort Mỏm Đá Chim vài trăm mét (dân gian gọi là "chợ Du lịch").
Dulichgo
Hôm ấy, tuân lời vợ dặn, tôi mua 4 kilogam mực ống của một bà sồn sồn. Nghi bị cân thiếu quá nhiều, tôi xách vào một vựa chuyên bán hải sản cho dân du lịch, nhờ cân lại với lời hứa sẽ mua 3 kilogam ghẹ, thì chỉ còn 2,2 kilogam. Tôi quay lại báo cho người bán biết số cân thực, thế là bà ta la lối, mấy người nữa xúm lại xỉa xói tôi như tôi là thằng ăn cắp.

Cũng hôm đó, ba nữ du khách bị đánh rách mặt cũng vì phản ứng cân điêu, công an Lagi phải xuống giải quyết. Ông chỉ huy nhóm công an an ủi mấy người đẹp: "Rất tiếc là vụ việc đã xẩy ra. Đây chỉ là hành vi của một số người bán hàng cá biệt, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm để không tái diễn, giữ hình ảnh đẹp cho du lịch Lagi".

Ông bạn mới của tôi lại cười tủm tỉm:

- Sáng mai anh ra cái "chợ Du lịch" ấy, mua bất cứ loại hải sản nào, bảo đảm một cân còn 3 hay 4 lạng! Bây giờ quê tôi còn nạn "cò mồi hải sản".

Thấy tôi ngạc nhiên, ông giải thích:

- Khi anh tấp vào một mẹt hay một thau hải sản nào đó, vừa hỏi mua là lập tức xuất hiện một anh chàng hay một cô nàng ăn vận như khách du lịch, nói tía lia, nào là mực (hay cá, cua, ghẹ) tươi như đang sống dưới biển. Nào là tôi vừa mua ở đây, cân lại, chẳng thiếu gram nào. Nào là, đó, thấy chưa, họ còn cho cả túi ni lông xịn đựng hàng... Thế là anh mềm lòng mua vì tin "người đồng hành".

Những người bán hải sản ở Mỏm Đá Chim đa phần là dân gốc miền Trung vốn rất thật thà. Điều gì khiến họ thành kẻ gian? Đó là một đề tài cần nghiên cứu kỹ mới có lời giải thích thỏa đáng.

Cũng là dân miền Trung, cụ thể là ở làng La Qua, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, một đạo sĩ thời vua Gia Long, vì bị triều đình xử oan, đã vượt biển bằng ghe tam bản, tấp vào nương náu ở vùng rừng Bàu Cái, Tam Tân (nay thuộc xã Tân Tiến). Ông và vợ giỏi nghề đóng ghe, bốc thuốc nam, giúp đỡ và cứu sống nhiều lưu dân, nhất là dân đánh cá bị tai nạn trên biển.

Đạo sĩ còn trừng phạt bọn buôn gạo lợi dụng mất mùa bóp chẹt dân nghèo, đong thiếu, giá cao. Sống giữa rừng già heo hút, vợ chồng ông có biệt tài cảm hóa, thuần phục muông thú, kể cả cọp, beo. Ông được dân tôn là "Thầy", vợ ông được dân gọi là "Thím", danh tiếng ngày càng lan rộng.
Dulichgo
Một chiều Thu, vợ chồng Thầy Thím mất cùng lúc ở Bàu Cái. Khi biết chuyện, dân trong vùng tìm đến thì thấy hai nấm mộ được thú rừng vun cao bằng cát trắng phau, có đôi hắc hổ và bạch hổ nằm canh giữ.

Tỏ lòng nhớ công đức, lưu giữ tiếng thơm Thầy và Thím, dân địa phương chung sức xây đền thờ vào ngày 25 tháng 12 năm Kỷ Mão (1879), gọi là Dinh Thầy Thím, ngay tại nơi ông bà qua đời.

Dinh được trùng tu, xây lại nhiều lần, nay có dạng như ngôi đình làng, gồm tam quan, võ ca, chính điện, nhà thờ tiền hiền, hậu hiền,... khuôn viên đến 3 hecta với nhiều loại danh mộc rợp mát cả một khoảng trời, đã được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia (1997).

Thầy - Thím là nhân vật có thật, dân gian chỉ "thêm bớt" một số chi tiết nhuốm màu huyền thoại cho tăng phần linh thiêng, cũng để đề cao tính nhân nghĩa, thật thà, nhằm giáo dục người đời.

Dinh Thầy Thím từ lâu đã trở thành dịa chỉ du lịch, vừa tâm linh, vừa thắng cảnh, nay khuôn viên đang được mở rộng thêm 7 hecta để đón lượng khách hàng trăm ngàn người mỗi năm, nhất là vào dịp tảo mộ (mùng 5 tháng Giêng) và lễ hội nhân ngày giỗ Thầy Thím (15, 16/9 âm lịch).
Không biết những người buôn gian bán lận ở "chợ Du lịch" đã mấy lần cúng lạy Thầy và Thím?

Thứ Sáu, 27 tháng 11, 2015

Khám phá Tam giác mạch của cao nguyên đá

Cùng với rượu tam giác mạch thơm lừng, bánh làm từ tam giác mạch ở Đồng Văn cũng đang mang hình hài mới rất bắt mắt, thơm ngon có vị riêng...

Khệ nệ nhấc cái nắp vung bằng inox đang chụp lên cái nồi to đùng có đường kính gần... 2m, Dào Văn Hò nói với chúng tôi: “Các anh tới muộn tí nữa, nước bắt đầu sôi thì sẽ không thấy rượu tam giác mạch được nấu thế nào đâu”.
Dào Văn Hò hiện đang là chủ của lò rượu tam giác mạch mang tên Thiên Hương ở Đồng Văn.

Thơm nồng vị rượu...

Lúc sáng, khi hỏi chủ quán tạp hóa ở thị trấn định mua loại rượu tam giác mạch này về làm quà, chủ quán bảo: “Hết rồi anh ạ, ít hôm nữa mới có”.

Hỏi đường về cơ sở nấu loại rượu này, tiện thể thắc mắc sao khách sạn tên Thiên Hương mà rượu tam giác mạch Đồng Văn này cũng tên Thiên Hương, chị chủ quán bảo: “Là hai chị em mình cả đấy”.

Lò rượu mà Dào Văn Hò đang nấu thuần từ hạt tam giác mạch, không hề pha chế. Cao nguyên đá xưa nay vốn trứ danh với rượu ngô men lá, nhưng ở vài nơi khi nấu rượu ngô, để rượu có vị thơm hơn, người ta trộn thêm tam giác mạch vào để nấu, vừa có vị nồng đượm của ngô lại có thêm vị thơm ngọt của tam giác mạch như rượu ở Cốc Pài.

Còn để nếm loại rượu nấu từ 100% nguyên liệu tam giác mạch thì đây là lần đầu chúng tôi được nếm. Nồi rượu ở cơ sở của Dào Văn Hò có dung tích chứa đến 5 tạ hạt tam giác mạch.

“Mọi năm em chỉ nấu vài nồi là hết sạch hạt mạch của dân, phải đi mua ở nơi khác. Năm nay vì huyện tổ chức lễ hội nên em phải thu mua nguyên liệu từ trong dân tích trữ từ đầu năm, hai tháng nay nấu được chừng mươi nồi, mỗi nồi hết nửa tấn tam giác mạch, tính ra được 200 lít rượu, đóng được hơn 400 chai, mà khách lên đây cuối tuần hơn 1 vạn người...”.

Loại rượu tam giác mạch ở cơ sở của Dào Văn Hò đóng chai 400cl, giá bán 100.000 đồng một chai, tính ra thì có lãi nhưng theo Hò không lãi bằng nấu rượu ngô, vì giá tam giác mạch đắt gấp năm lần so với ngô.

Rót mời chúng tôi mấy chung rượu tam giác mạch “tươi nguyên” ngay tại lò rượu, dân đã quen với rượu ngô cao nguyên đá sẽ thấy rượu tam giác mạch không “đượm” bằng song vị rượu lại thơm. Nói gì thì nói, cũng có nhiều lời kẻ khen người chê, nhưng việc cho ra mắt một sản phẩm “cây nhà lá vườn” phục vụ cho du lịch và làm tăng giá trị cho cây tam giác mạch là điều đáng mừng.

Và có lẽ do lò rượu tam giác mạch của Dào Văn Hò sản xuất đại trà nên bị cái khí vị công nghiệp che mất ít nhiều hương vị non cao riêng có của nó.

Hôm sau đó, khi được một “thổ công” cao nguyên đá mời nếm một loại rượu tam giác mạch được nấu tại một lò rượu thủ công ở bản giáp biên giới xã Phố Là, quả thật vị rượu tam giác mạch thủ công mà anh bạn cất công mang về từ Phố Là ấy đủ sức đưa “kiều mạch tửu” này lên ngang hàng với bất cứ một danh tửu nào trên rẻo cao Tây Bắc, Đông Bắc này!

Rót ra cốc, mùi tam giác mạch thơm lừng, vị lại đượm. Hỏi tìm mua nhưng người bạn bảo chủ lò này chỉ nấu để dành cho gia đình, khách thật quý thì tặng một ít. Nếu bán cũng rất hi hữu với giá hơn 250.000 đồng/lít.

Dù loại này hiếm nhưng nếu bí quyết nấu rượu tam giác mạch theo cách ở Phố Là này được phát triển, đúng kiểu thủ công cổ truyền, dù không đủ cung cấp cho thị trường du khách nhưng có lẽ nên được giới thiệu để khách biết thêm về danh tửu lâu nay ẩn dật chốn thâm sơn cùng cốc này.

Hoa ngon mùi... bánh

Cùng với rượu tam giác mạch, bánh làm từ tam giác mạch ở Đồng Văn cũng đang mang một hình hài mới rất bắt mắt. Hỏi ra mới hay đây là sản phẩm của Hợp tác xã (HTX) Bắc Nam, một HTX ban đầu chỉ kinh doanh vận tải, mới bắt đầu bước vào lĩnh vực bánh kẹo chưa đầy một năm nay.

Ông Phạm Ngọc Dự, chủ nhiệm HTX, vừa sắp xếp những chủng loại bánh làm từ tam giác mạch lên bàn để giới thiệu với khách, vừa kê khai “lý lịch” từng loại bánh.

Tháng 11 năm ngoái, khi thấy “đầu ra” từ sản lượng thu hoạch từ hơn 50ha hạt tam giác mạch mà bà con gieo trồng trong huyện đang có nguy cơ tắc nghẽn, huyện đã cử một đoàn đi về Thái Bình tham quan dây chuyền sản xuất bánh từ các làng nghề ở Đông Hưng, nhất là làng nghề bánh cáy.

Nếu bánh người ta làm từ bột mì bột gạo thì mình cũng có thể làm bánh từ tam giác mạch chứ sao? Vậy rồi anh em trong ban chủ nhiệm HTX xay giã giần sàng ra được hơn một tạ bột, mang về tận Đông Hưng (Thái Bình) nhờ dây chuyền sản xuất bánh ở đấy làm thử nghiệm hai loại: bánh tam giác mạch giòn và bánh tam giác mạch dẻo.

May sao chất lượng của hai loại bánh được cho là ngon, thơm, có vị riêng, có thể sản xuất dây chuyền, nếu sản lượng hạt tam giác mạch lớn thì có thể đảm bảo được đầu vào nguyên liệu, còn đầu ra thì yên tâm, trước mắt phục vụ du khách trên địa bàn đã chưa đủ, sau này hẵng tính chuyện vươn ra các tỉnh bạn.

Chúng tôi đã nếm thử hai loại bánh giòn và bánh dẻo, cùng với bức ảnh hoa tam giác mạch rực rỡ quyến rũ được thiết kế trên bao bì bắt mắt nên chiếc bánh có vẻ ngon hơn so với những loại bánh làm bằng nguyên liệu bình thường. Đặc biệt, bánh dẻo có phần ngon hơn nhiều so với bánh giòn.

Trong xưởng bánh của HTX Bắc Nam, mấy anh thợ người Thái Bình lên đang đứng dây chuyền sản xuất bánh, còn những người thợ “lao động phổ thông” đang xay hạt tam giác mạch từ chiếc máy như máy xát lúa, vỏ hạt được tách ra nhờ quạt gió, chảy vào thúng là những hạt mạch đã được bóc sạch vỏ.

Chị Mẩy - một phụ nữ Mông - giần sàng cho sạch rồi cho số hạt mạch đã được xát vỏ làm sạch này vào máy xay. Những khay bột xay được Thủy, một thợ làm bánh, cho vào máy sấy, pha chế thêm đường, dầu ăn, hạt vừng... để ra hỗn hợp trước khi cho vào khuôn bánh.

Chủ nhiệm Dự bảo: “Sắp tới, dịp lễ hội chúng tôi sẽ có thêm ba loại bánh nữa là bánh quy tam giác mạch, bánh quế tam giác mạch và bánh cốm nếp. Với công suất sản xuất và tiêu thụ như hiện nay thì sản xuất không đủ bán!”.

Cũng tránh tình trạng chặt chém khách, giá bánh được in ngay trên bao bì, cả hai loại bánh giòn và bánh dẻo đều cùng giá 35.000 đồng/hộp, các đại lý ở thị trấn chỉ bán đúng giá đó, các chủ tiệm cam kết bán đúng 35.000 đồng, bán hơn 1 đồng cũng không được!

“Thế có khi nào vì thiếu nguyên liệu tam giác mạch mà thay bằng bột khác không?”.
“Nếu làm thế thì tự chúng tôi giết chúng tôi vì bánh đó chỉ chúng tôi sản xuất, tiêu thụ, mà số lượng nguyên liệu cũng chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất, chúng tôi cũng về tận xã cam kết bao tiêu sản phẩm với dân bản, có vậy dân mới nghe theo chủ trương của huyện trồng nhiều như thế.

Nhưng thật ra 300ha nguyên liệu cũng chưa đủ sản xuất bánh, huống nữa nay trên địa bàn có cả sản xuất rượu, nhu cầu tiêu thụ nguyên liệu rất cao.

Mà trồng tam giác mạch đâu chỉ sản xuất bánh, đã có thêm một vài sản phẩm khác được sản xuất từ tam giác mạch như trà tam giác mạch, mì tam giác mạch...”.

Vậy là không nghi ngờ gì nữa, cả cao nguyên đá vốn là thách thức cho bất cứ loại cây trồng nào không ngờ có một ngày cây rau nuôi lợn lại mang đến những hứa hẹn tương lai một cách cụ thể như thế, trong vị rượu thơm nồng, vị bánh ngon ngọt.

Thứ Năm, 26 tháng 11, 2015

Khám phá cột mốc trên Biển Đông :Hòn Hải

(DNSG) - Nếu rất nhiều hòn đảo giữa biển khơi của Việt Nam đều được nhắc đến thì Hòn Hải lại bị lãng quên khi không xuất hiện trong bất cứ một tài liệu du lịch nào, trong khi đây thật sự là một kỳ quan giữa Biển Đông.

Hòn Hải còn được gọi là Hòn Khám (là điểm A6 đường cơ sở lãnh hải Việt Nam), là một khối đá khổng lồ mang hình chiếc hài, có tên trên bản đồ quốc tế với tên gọi Poulo Sapate. Hòn Hải nằm cách đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận (còn gọi là Cù lao Thu) khoảng 65km, có chiều dài khoảng 130m, chiều ngang chỗ rộng nhất khoảng 60m, điểm cao nhất 113m tính từ mặt biển.

Bao đời nay, ngư dân Cù lao Thu đã biết rõ Hòn Hải hoàn toàn khô cằn, không có nước ngọt, cây cối, nhưng lại là nơi trú ngụ của hàng vạn chim nhạn, mòng biển, bồ nông.

Vào tầm tháng 6, tháng 7 mùa chim đẻ, bề mặt đảo đặc nghẹt trứng chim và phủ một màu trắng phân chim. Những ai đã một lần đặt chân lên đảo hẳn sẽ ngẩn ngơ với khung cảnh kỳ ảo nơi đây. Qua bao thiên niên kỷ, gió và sóng biển bào mòn đá, tạo nên hàng vạn đường gờ uốn lượn nhấp nhô quanh đảo như một nét cọ mềm mại quét vội qua tấm toan.

< Hòn Hải nhìn từ xa.

Nhận thấy đây là nơi có vị trí trọng yếu về quốc phòng cũng như rất nguy hiểm cho tàu bè qua lại nếu không có hệ thống đèn cảnh báo, năm 1999, Bộ Quốc phòng đã xây dựng một hải đăng trên đảo.

Qua khảo sát, lực lượng công binh đánh giá quanh Hòn Hải toàn đá ngầm, quanh năm sóng lớn, có lúc sóng cao đến chục mét, mùa biển động kéo dài nhiều tháng, nắng thì chan lửa, mưa thì như thác đổ. Có lần đoàn khảo sát ra đến đảo nhưng không cập tàu được, phải quay lại đất liền.

Hòn Hải được hình thành từ núi lửa phun trào hàng triệu năm trước, phần dung nham gần mặt biển gặp nước, hóa đá rắn chắc còn phần trên cao thì xốp và mềm hơn, nên thường xuyên bị bào mòn, thường có đá rơi, đá lở, nhiều vách hụt.
Dulichgo
Chỉ sau 20 ngày đầu tiên xây dựng hải đăng đã có chiến sĩ hy sinh, hàng trăm tấn vật tư bị sóng cuốn xuống biển. Sau nhiều nỗ lực, đến cuối năm 2004, một hệ thống các công trình được lực lượng công binh hoàn thành gồm một căn nhà kiên cố dưới chân đảo có diện tích gần 300m2, bến cập tàu 380m2, hệ thống phao neo và bãi liền bến 423m2.

< Đường hầm xuyên núi đá cao 170m với 240 bậc.

Một trong những công trình độc đáo nhất tại đây là đường hầm xuyên lòng núi đá dài 170m với 4 cửa nối từ gần mặt biển lên mặt đảo. Hầm được gia cố bằng bê tông cốt thép chống đá rơi và dư chấn.

Cửa hầm nằm ở mặt sau của tòa nhà rồi kéo dài lên bề mặt đảo bằng 170 bậc thang. Từ miệng hầm đến mặt đảo có 240 bậc thang được đổ bê tông kiên cố nối lên chân ngọn hải đăng.

Ngọn hải đăng Hòn Hải giúp tàu thuyền hoạt động ngoài khơi tỉnh Bình Thuận định hướng và xác định vị trí với tầm nhận diện địa lý ban ngày là 26,5 hải lý, tầm chiếu sáng ban đêm là 24,5 hải lý. Hải đăng được đặt tại điểm cao nhất của đảo là 113m, chiều cao tính từ chân đến đỉnh đèn là 10,4m.

Đèn sử dụng pin năng lượng Mặt trời đảm bảo chiếu sáng liên tục. Bên cạnh đó là trạm thu phát sóng thông tin di động (BTS) của Viettel nối liên lạc với đất liền và tàu bè quanh đảo. Hiện nay, hải đăng Hòn Hải do Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Nam Trung Bộ, trực thuộc Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Miền Nam quản lý.

Anh Lê Ngọc Nam - phóng viên Tạp chí Biển chia sẻ: "Việc thiết lập và duy trì ngọn hải đăng thể hiện nghĩa vụ và quyền chủ quyền của các quốc gia có biển, giúp người đi biển xác định vị trí và phương hướng trên biển nhằm thiết lập một môi trường an toàn về hàng hải, thúc đẩy các ngành kinh tế biển Việt Nam phát triển".
Dulichgo
Vào những ngày biển lặng trời êm, Hòn Hải hiện lên sừng sững giữa biển khơi như một cột mốc chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam trên Biển Đông.

Gian nan hành trình ra Hòn Hải

Ngay cả những người đã nhiều năm gắn bó với đèn biển và am hiểu các vùng biển Việt Nam, khi nhắc tới hải đăng Hòn Hải ai cũng phải lắc đầu vì sự cô đơn giữa muôn trùng biển khơi.

Sau một năm xin phép và chờ đợi để ra Hòn Hải, đến cuối tháng 7 thì cơ hội đến với tôi. Từ Sài Gòn tôi đón chuyến xe đêm ra Nha Trang để sáng hôm sau từ cảng Nha Trang lên con tàu tiếp tế 735 của Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Nam Trung Bộ, trực thuộc Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Miền Nam ra Hòn Hải.

Chuyến hành trình 150 hải lý của tàu 735 lần này có hai nhiệm vụ: Đưa 5 thành viên ra thay ca trực ngọn hải đăng và chở lương thực, thực phẩm, nước ngọt đủ dùng trong 5 tháng cho các nhân viên trên Hòn Hải.

Tàu 735 mới rời bến được khoảng 2 giờ đồng hồ thì gió giật mạnh, sóng lớn lớp lớp nổi lên. Con tàu chòng chành, lầm lũi chồm về phía trước trong màn mưa trắng xóa càng lúc càng mạnh. Thuyền trưởng Tuấn và thủy thủ đoàn phải căng mắt theo dõi mọi tình huống có thể xảy ra để kịp thời xử lý.
Dulichgo
Gió càng lúc càng mạnh. Những con sóng đến 4 mét nhấc bổng con tàu lên cao rồi ném xuống mặt biển nhấp nhô như núi. Nhiều vật dụng trên tàu bung dây buộc, rơi vãi. Nước tạt tới tấp vào khoang lái. Thuyền trưởng Tuấn với 30 năm tuổi nghề của Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Nam Trung Bộ căng mắt chịu trận, khéo léo điều khiển con tàu vượt sóng.

Biển tiếp tục động mạnh, đêm đầu tiên tàu bắt buộc phải tránh bão ở Mũi Dinh. Hôm sau lại tiếp những giờ dài dặc mệt mỏi trên biển, quá trưa tàu mới đến đảo Phú Quý. Thuyền trưởng quyết định cho tàu tạm nghỉ, đợi đến khoảng 0 giờ, sóng lặng bớt lại vượt biển.

Vì quá mệt sau một ngày đêm bị say sóng nên tôi ngủ vùi lúc nào không biết. Bất chợt trong cơn mơ màng, nghe tiếng reo của các thủy thủ: "Đến Hòn Hải rồi!". Tôi bừng tỉnh, nhảy chồm dậy xách máy ảnh nhào ra boong tàu. Bầu trời một màu hồng tím kỳ ảo. Trong màn sương mờ đục ẩn hiện một bóng đen khổng lồ.

< Tàu cập đảo.

Cảm giác choáng ngợp xâm chiếm hồn tôi. Rồi từ từ sương tan, cả một khối đá khổng lồ lộ ra trước mắt. Quả là lạ lùng: Giữa một vùng biển không bến bờ lại có một khối đá sừng sững đơn côi, rợp trời nhạn biển chao liệng. Khung cảnh trước mắt như chỉ có trong truyện cổ tích.

Đúng 6 giờ tàu cập Hòn Hải - điểm A6 đường cơ sở lãnh hải Việt Nam. Dòng hải lưu chảy rất mạnh nên khi vận chuyển hàng hóa lên đảo, tàu phải neo đuôi, thắt chặt hai dây phía mũi và nổ máy, nhấn ga liên tục để không cho sóng đánh dạt ra biển.

< Từ miệng hầm đến bề mặt đảo có một hệ thống 240 bậc thang được đổ bê tông kiên cố nối lên tận chân hải đăng Hòn Hải.

Thuyền trưởng Tuấn ra lệnh mọi hàng hóa đưa lên đảo chỉ tối đa là trong vòng 2 tiếng đồng hồ để đảm bảo an toàn.
Dulichgo
Các thành viên thoăn thoắt vận chuyển lên bãi tập kết vật dụng, lương thực, nhu yếu phẩm và 100m3 nước ngọt. Do đảo là khối đá được hình thành từ núi lửa nên không có nước ngầm. Nước mưa cũng không thể sử dụng do phân chim dày đặc gây nhiễm khuẩn.

Năm 1999, lực lượng công binh bắt đầu xây dựng một số công trình trên đảo, gồm một căn nhà kiên cố dưới chân đảo, bến cập tàu rộng 380m2 có hệ thống phao neo và bãi liền bến 423m2. Để đảm bảo an toàn, các công trình phải đổ bê tông 100%, không sử dụng gạch, trên nóc nhà có nhiều bao tải đá dăm trộn cát để làm giảm áp lực trong trường hợp đá lở.

Sau 20 ngày xây dựng đã có tai nạn bi thương: Anh Nguyễn Văn Mộc (sinh năm 1956) thuộc Đoàn 6 Bộ tư lệnh Hải quân hy sinh do sóng bất ngờ cuốn xuống biển, không tìm được thi thể. Khi sắp hoàn thành công trình, anh Nguyễn Văn Nhắn thuộc Công ty Lũng Lô tử vong.

< Hệ thống năng lượng Mặt trời trên đảo.

Để tưởng nhớ các anh, đồng đội đã dựng lên hai ngôi mộ gió gần chóp đảo, như cách ngư dân vẫn làm để tưởng nhớ người thân mất khi đi biển mà không tìm được thi thể.

Vào mùa biển động, tàu không thể cập vào cầu tàu nên việc tiếp tế cho đảo vô cùng gian nan. Lương thực, thực phẩm, nước ngọt phải kéo bằng ròng rọc lên miệng hầm cách mặt biển khoảng 30m.

< Tháng 7 là mùa sinh nở của hàng vạn chú chim nhạn, mòng biển...

Năm 2005, sóng cao cả chục mét đánh dữ dội vào đảo, đá chân chim nặng từ 12-16 tấn/viên thả quanh đảo bị cuốn trôi sạch. Có một hòn đá 16 tấn bị sóng đưa từ dưới biển lên mặt sàn và nằm cố định từ đó đến nay do không ai đủ sức di chuyển.

< Lễ tưởng nhớ đồng đội đã hy sinh.

Trò chuyện cùng tôi, anh Nguyễn Ngọc Ảnh - một người canh giữ ngọn hải đăng tâm sự: "Bốn tháng ở Hòn Hải là thử thách rất lớn với anh em. Ban ngày chúng tôi phải leo lên hải đăng để kiểm tra, tối đến ngủ tại chân ngọn đèn để đảm bảo đèn luôn chiếu sáng.
Dulichgo
Dù mưa gió bão bùng, công việc đều phải hoàn thành tốt. Bốn tháng trời chỉ quanh quẩn mấy amh em, bị cô lập hoàn toàn giữa trùng khơi nên ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý con người. Sau khi thay ca phải mất nhiều ngày anh em tôi mới thích nghi được với cuộc sống đất liền".

Vì tàu không ở được lâu nên anh Đỗ Công Tuấn - Trạm trưởng Trạm Hải đăng Hòn Hải phải nhanh chóng nhận bàn giao tài sản. Dù ở hải đảo xa xôi nhưng việc quản lý tài sản được mọi người thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc. Anh em canh đảo cho biết, ngư dân bất cứ ở đâu khi ngang qua Hòn Hải đều hướng về đảo cúi lạy cầu bình an vì họ cho rằng nơi đây rất linh thiêng.

Trước khi rời đảo, thuyền trưởng Tuấn tổ chức cúng và hóa vàng để tưởng nhớ những anh em vì biển đảo thiêng liêng của tổ quốc phải nằm lại dưới dòng nước lạnh lẽo.

Gần 9 giờ, tàu bắt đầu rời bến. Người trên bờ, người dưới tàu bùi ngùi vẫy tay tạm biệt. Bốn tháng sau sẽ lại có người ra đảo thay ca cho các anh, tiếp tục thắp sáng ngọn hải đăng trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.


Thứ Sáu, 20 tháng 11, 2015

Khám phá lễ hội Đua ghe Ngo ở Đồng Bằng Sông Cửu Long

Lễ hội Đua ghe Ngo tỉnh Sóc Trăng lần II- khu vực ĐBSCL năm 2015 sẽ diễn ra từ ngày 23- 25/11.

Ban tổ chức Lễ hội Đua ghe Ngo tỉnh Sóc Trăng lần II- khu vực ĐBSCL năm 2015 cho biết, lễ hội năm nay có 55 đội ghe Ngo đăng ký tham gia thi đấu (47 đội nam, 8 đội nữ), trong đó gồm 43 đội trong tỉnh (39 nam, 4 nữ) và 12 đội ngoài tỉnh (8 nam, 4 nữ). Đến nay, công tác chuẩn bị đã cơ bản hoàn thành, sẵn sàng cho lễ hội với tinh thần hào hứng, sôi nổi.

Tại lễ hội Đua ghe Ngo năm 2015 sẽ có các hoạt động chính như lễ khai mạc và bế mạc, giải đua ghe ngo; lễ cúng trăng; hội thi thả đèn nước; hội chợ thương mại, triển lãm, du lịch, ẩm thực; hội thao dân tộc;…

Các đội thi đua ghe Ngo khai mạc lúc 12h ngày 24/11; chiều 24/11 sẽ thi đấu vòng loại nữ, vòng loại nam; chiều ngày 25/11 sẽ thi đấu bán kết, chung kết nữ và bán kết, chung kết nam.

Lễ hội Đua ghe Ngo năm 2015 sẽ chính thức khai mạc vào tối ngày 24/11 và bế mạc vào ngày 25/11. Lễ hội hứa hẹn sẽ có những hoạt động hấp dẫn người xem.

Bài nhiều lượt xem

Unordered List

Text Widget

Được tạo bởi Blogger.

Bài đăng nổi bật

Địa anh Mỏm Đá Chim

T rước khi rời Sài Gòn để đi nghỉ dưỡng cùng anh chị em trong Tòa soạn, tôi có ý định chú tâm tìm hiểu vùng đất có địa danh ngồ ngộ là Mỏm...